Business Intelligence ngày càng dễ dùng

1 post / 0 mới
tat1409
Offline
Truy cập lần cuối: 5 tháng 6 ngày trước
Tham gia: 16/05/2015 - 15:44
Business Intelligence ngày càng dễ dùng

Nhiều doanh nghiệp hứng thú với các giải pháp quản trị doanh nghiệp thông minh (Business Intelligence - BI) nhưng ít khi hiểu thấu đáo về chúng. Vì vậy, các nhà cung cấp đang làm cho BI trở nên đơn giản hơn.

BI đang thay đổi rất nhanh do sự phát triển của những công nghệ then chốt trong nó - việc sử dụng các hệ thống phần mềm BI trên bộ nhớ chính (in-memory), sự phát triển của các ứng dụng phân tích di động cũng như việc triển khai các phần cứng và phần mềm đóng gói tương thích và tối ưu cho việc phân tích kinh doanh. Tiến tới, chắc chắn sẽ có thêm các hệ thống phân tích dữ liệu dựa trên các ứng dụng điện toán đám mây.

Hình minh hoạ.

Năm 2011, theo đánh giá của Gartner, thị trường các trang thiết bị BI của thế giới đã tăng trưởng 10% và đạt tới 10,8 tỷ USD (~220.408 tỷ đồng). Các nhà phân tích lưu ý rằng, thị trường BI đang phát triển năng động với sự khai phá công nghệ của các nhà phát triển phần mềm độc lập như TIBCO, Sportfire và QlikTech. Các đấu thủ chính của thị trường BI đang đáp lại sự bành trướng của các nhà sản xuất thiết bị khai thác dữ liệu bằng việc đưa ra các giải pháp "dễ sử dụng". Chẳng hạn, đó là các hãng Microsoft PowerPivot, SAP BusinessObject Explorer, IBM Cognos Express và Information Builders WebFocus Visual Discovery.

Gartner gọi các công ty Microsoft, Oracle, MicroStrategy, IBM, Information Builders, SAS, QlikTech và SAP là những thủ lĩnh "trên chiếu lớn" của các nền tảng BI.

Biến BI thành đại trà

Một thời gian dài, giải pháp BI được định hướng chủ yếu vào phục vụ các tổ chức lớn có đủ nguồn lực tài chính và con người để thực việc phân tích dữ liệu một cách có hệ thống. Chỉ có những phân tích viên chuyên tạo các báo cáo cần thiết mới tiếp cận được hệ thống này. Người đặt hàng các báo cáo đó là các nhà quản lý cấp cao.

Gần đây, đã xuất hiện các giải pháp định hướng đến người dùng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà quản lý trung và cao cấp. Nhờ những giải pháp này mà họ đã có được các công cụ cho phép tự nhận báo cáo không cần qua các phân tích viên hay chuyên gia CNTT: Họ tự do lựa chọn các báo cáo, kể cả cách trình bày các báo cáo đó (theo đồ thị, biểu đồ...).

Theo số liệu của DSS Consulting, số lượng ứng dụng các hệ thống BI trong năm 2010 tại Nga tăng trưởng 48% so với năm 2009. Tuy nhiên, so với năm khủng hoảng tài chính 2009, tỷ lệ ứng dụng trong khối cơ quan nhà nước Nga đã giảm 7%, còn đầu tư của các định chế tài chính thì ngược lại, tăng 9% nhờ sự quan tâm cao đến các hệ thống phân tích dữ liệu cũng như các ứng dụng định hướng khách hàng. Đứng thứ ba trong các lĩnh vực ứng dụng BI mạnh ở Nga là các hệ thống bán lẻ - thị phần của chúng đã tăng đáng kể. DSS Consulting lưu ý rằng, các hệ thống BI đã được các tập đoàn hay tổ chức có nhiều chi nhánh ứng dụng nhiều nhất, chiếm đến 50% tổng số đối tượng ứng dụng.

Những giải pháp BI hiện đại ngày càng hướng đến đáp ứng nhu cầu sử dụng đại trà trong việc phân tích tác nghiệp, phục vụ lãnh đạo và chuyên gia ở nhiều cấp độ khác nhau và phạm vi hoạt động rất rộng lớn. Đặc điểm chính của những giải pháp này là dễ sử dụng, có hàng loạt chức năng hướng tới các ứng dụng kinh doanh cụ thể cũng như hiệu suất cao, cùng khả năng triển khai trên các cấu hình máy tính không được cao cho lắm của người dùng phổ thông.

Diện ứng dụng của BI thường xuyên được mở rộng: Hỗ trợ việc ra quyết định chiến lược; phân tích hoạt động kinh doanh và quản lý hiệu suất; phân tích quản lý quan hệ khách hàng (trước hết dùng cho khối ngân hàng thương mại và các đơn vị bán lẻ); quản lý rủi ro trong kinh doanh (chủ yếu trong mảng tài chính); phân tích thông tin doanh nghiệp trên các mạng xã hội; BI di động; nhúng các hệ thống BI vào các trung tâm xử lý tình huống v.v...

Hiện đã có hàng loạt ngành nghề tích cực ứng dụng các hệ thống BI hoặc ít nhất là chuẩn bị áp dụng, gồm mảng tài chính (trước hết là các ngân hàng và các quỹ đầu tư), các công ty truyền thông, các hệ thống bán lẻ, các cơ quan nhà nước, các cơ sở y tế, công nghiệp năng lượng và tiện ích công cộng, giao thông vận tải và logistics...

Kiến trúc là động lực

Khuynh hướng phát triển các hệ thống BI phần lớn được xác định không chỉ bởi nhu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng mà cả ở các khả năng của kiến trúc điện toán mà các hệ thống BI xây dựng trên đó. Trong vòng mười năm gần đây, các nhà phát triển BI đã cố gắng nối kết chúng với những sáng tạo lớn về công nghệ và kiến trúc, từ SOA, kiến trúc cổng thông tin và công nghệ ảo hoá, các giải pháp di động... Nay, các nhà sản xuất các hệ thống BI đang cố gắng tích hợp chúng vào môi trường và kiến trúc đám mây.

Có thể coi việc sử dụng tích cực năng lực tính toán trên bộ nhớ chính (in-memory) là phát hiện thành công của các nhà phát triển hệ thống BI. Việc xử lý dữ liệu trong bộ nhớ phân tích cho phép nâng cao năng suất của hệ thống BI rất nhiều, tới hàng trăm lần, nhờ giảm đến tối thiểu nhu cầu kết nối với dữ liệu được triển khai trên các ổ cứng (việc trao đổi dữ liệu với các đĩa cứng chậm hơn rất nhiều so với trao đổi dữ liệu nằm trên bộ nhớ).

Cuối cùng, những giải pháp BI như thế (không cần đến các đĩa lưu trữ dữ liệu) đang tỏ ra rẻ hơn nhiều lần so với các hệ thống BI được xây dựng theo các sơ đồ cũ với kho lưu trữ dữ liệu. Nhờ có chi phí tổng sở hữu thấp, chúng đang trở nên dễ tiếp cận hơn và vì thế dễ triển khai đại trà hơn. Việc triển khai BI dựa trên tính toán của bộ nhớ cho đến nay đã nằm trong tay hầu hết các đấu thủ chính của thị trường như IBM, Oracle, Microsoft, SAP. Trong số các nhà cung cấp, QlikTech là công ty tập trung nhiều vào khả năng phân tích dữ liệu trên bộ nhớ chính.

Ví dụ thành công khác của việc sử dụng các cấu phần công nghệ mới nhất là việc tạo các tổ hợp thiết bị - phần mềm đóng gói. Ở những tổ hợp đó, phần cứng và phần mềm được cân bằng, tối ưu cho mục tiêu BI. Theo số liệu của các nhà sản xuất những giải pháp như thế, những tổ hợp này đảm bảo lợi hơn từ 10 - 20 lần so với các tổ hợp không tối ưu. Ngoài tối ưu hoá, giải pháp như thế còn được đảm bảo bởi việc sử dụng ổ rắn SSD thay cho các ổ đĩa cứng thông thường. Dĩ nhiên, những hệ thống như thế sẽ không rẻ nhưng ứng dụng chúng sẽ hợp lý hơn trong việc giải quyết hàng loạt nhiệm vụ phân tích xuất hiện nơi các tổ chức lớn. Ví dụ rõ nhất cho giải pháp này là dòng sản phẩm Oracle Exadata. Một ví dụ khác là hệ thống xử lý khối dữ liệu lớn được tạo bởi Teradata cùng Information Builders.

Hướng tới khách hàng, các giải pháp di động cũng đang rất phát triển. Có lẽ thành công nhất trong lĩnh vực này đang thuộc về SAP. SAP đạt được điều đó sau vụ mua lại Công ty Sybase. Các đấu thủ khác trên thị trường cũng đang bắt tay vào tạo các giải pháp BI di động.

Làm cho BI tương thích với điện toán đám mây cũng là vấn đề đang được nhiều nhà cung cấp thử sức. Tuy nhiên, những giải pháp đó sẽ chiếm vị trí nào trên "đám mây" thì mọi người chưa hình dung hết. Hoạt động BI luôn đòi hỏi những lượng dữ liệu lớn nên việc truyền tải dữ liệu trên các đám mây sẽ gây cho các nhà cung cấp dịch vụ không ít khó khăn.

Tổ chức hoạt động của các ứng dụng điện toán đám mây dựa trên tính toán của bộ nhớ chính sẽ đơn giản hơn. Chính SAP là công ty đang chuẩn bị phát hành phiên bản đám mây của sản phẩm HANA theo hướng này. Trong bất kỳ trường hợp nào, có nhiều cơ sở để hy vọng rằng các hệ thống BI trên đám mây ít nhất cũng làm cho BI dễ tiếp cận hơn về chi phí, làm cho đội quân người dùng sẽ hùng hậu hơn do kết nạp được nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo pcworld.com.vn