Thị trường CNTT nội địa: Nhận diện cơ hội

1 post / 0 mới
ngiapro
Offline
Truy cập lần cuối: 8 năm 2 tháng trước
Tham gia: 01/06/2010 - 20:22
Thị trường CNTT nội địa: Nhận diện cơ hội

Lời tòa soạn: Báo cáo toàn cảnh CNTT - TT 2010 của Hội Tin học TP.HCM (HCA) đã đưa đến nhiều cái nhìn lạc quan cho phát triển thị trường CNTT nội địa. Từ “dư âm” của báo cáo này, TGVT B đã ghi nhận ý kiến các chuyên gia của HCA nhằm làm rõ khả năng phát triển thị trường nội địa ở mảng phần mềm và phần cứng.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch HCA: “Cơ hội của ERP, phần mềm đóng gói”

Chúng ta có thể ấn tượng về sự tăng trưởng của thị trường nội địa qua 2 vấn đề lớn là: ứng dụng của khối DN trong nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; và trong dự án của Chính phủ ( đây là định hướng lớn của Nhà nước). Điều đáng mừng là, DN Việt Nam đã bắt đầu xem CNTT là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, là tín hiệu tích cực thể hiện đúng yếu tố nếu biết khai thác đúng nhu cầu trong nước vẫn đủ khả năng xây dựng CNPM phục vụ thị trường nội địa. 

Dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng một số DN PM có tăng trưởng ấn tượng tốt như lĩnh vực Họach định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Điều này hoàn toàn phù hợp quy luật. Vì có khi DN đang hoạt động sản xuất rất nhộn nhịp nhưng phải dừng lại để tái cấu trúc bộ máy, nâng cao năng lực. ERP được xem là giải pháp phù hợp. Khủng hoảng kinh tế đi xuống đòi hỏi DN phải tồn tại và DN phải có thời gian để tái cấu trúc là hợp quy luật (ứng dụng CNTT để giảm chi phí quản lý để tăng hiệu quả, giao dịch bớt áp lực). 

Mảng PM đóng gói của các DN nhỏ và vừa cũng tăng trưởng. Điều này cho thấy, thị trường PM Việt Nam vẫn còn nhiều phân khúc chưa được khai thác đúng và hiệu quả. Thống kê của Hội Tin học vừa rồi cho thấy, một số DN như Misa có tốc độ tăng trưởng 88% là rất ấn tượng. Đó là do giảm giá thành, sản phẩm cung ứng chất lượng tốt, chuyên nghiệp trong tiếp thị và cung ứng dịch vụ. 

Gia công PM xuất khẩu không tăng cao như các năm trước do tỉ lệ tăng trưởng thấp, khủng hoảng kinh tế…Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng cần phải đầu tư. Vẫn có nhiều khách hàng đến tìm hiểu đặt hàng nhưng DN Việt Nam chỉ đáp ứng được các đơn hàng tầm trung, với đơn hàng lớn còn hạn chế! 

Về ứng dụng của Chính phủ, tôi cho rằng hiện nay Nhà nước đã có quyết tâm. Nhưng cần tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều loại hình DN khác nhau tham gia. Vì có như vậy mới tạo ra một ngành công nghiệp. Nguồn vốn của Nhà nước phải dành cho cộng đồng, không nên chỉ tập trung vào 1, 2 công ty. Muốn xây dựng cộng đồng phát triển CNPM mạnh, cần có cơ chế hỗ trợ từ nhà nước

Cần thời gian để có giải pháp lớn

PM nhúng trên thiết bị mobile của Việt Nam vẫn chậm hơn thế giới. Ứng dụng ERP chậm hơn và vốn đầu tư chậm hơn. Tuy nhiên, VN vẫn còn cơ hội 2 đến 3 năm nữa. Nên các DN cần phải làm thêm về các thương hiệu quốc gia. 

Những đánh giá đầu tư mang tính chất tập trung của các DN nhỏ và vừa có cơ hội có thể làm được tại thị trường Việt Nam. Nhưng sẽ khó ra được thị trường thế giới nếu không có hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường. Nếu không làm tốt, chúng ta sẽ lại quay lại vết xe cũ: “cơ hội có nhưng đánh mất”. 

Chúng ta cần chú trọng thị trường nội địa và có chính sách khuyến khích các DN tại thị trường này. Về xuất khẩu cơ hội thị trường rất lớn nhưng đáp ứng đủ tầm ở công suất lớn còn hạn chế. Chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để làm các giải pháp lớn. Phải có thời gian. Chúng ta cần nhìn đúng năng lực của mình. 

Phí Anh Tuấn

Ông Phạm Thiện nghệ, Tổng thư ký HCA: “Phần cứng phải gắn với phần mềm nhúng!”

Thị trường CNTT năm 2009, phần cứng tăng trưởng 20% so với 2008, và dự kiến trong năm 2010 này sẽ vẫn tiếp tục tăng. Như vậy, về thị trường có nhiều lạc quan! Tuy nhiên, trong năm qua, dung lượng thị trường khoảng 6 tỷ USD nhưng chúng ta chỉ đáp ứng được khoảng 200 triệu USD. Đây là con số rất nhỏ dù nhà nước đã có chủ trương ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (Theo Thông tư 42/2009/TT-BTTTT, ngày 30/12/2009 của Bộ TTTT). Chủ trương này rõ ràng chưa được áp dụng triệt để. Đây là điều mà các cơ quan quản lý phải lưu tâm nhiều hơn nữa... Chúng tôi xác định thị trường CNTT Việt Nam là thị trường lớn (năm 2009 8,4 tỷ USD). Trong đó năm 2010 theo ước tính từ Bộ Công Thương, có hơn 7 tỷ USD từ phần cứng, PM, công nghiệp nội dung số… DN Việt Nam phải biết nắm bắt và dành thị phần lớn từ thị trường nội địa, đừng quá say sưa với chuyện đi xuất khẩu ở nước ngoài mà để ngỏ thị trường trong nước. 

Về chủ trương phát triển công nghiệp phần cứng, tôi nghĩ Chính phủ cần hướng đến tập trung hỗ trợ, khuyến khích DN tập trung vào R&D. Nghĩa là nghiên cứu PM ( phần mềm ) nhúng, tham gia vào các sản phẩm đang có. Hiện nay, PM nhúng có đầy rẫy trên các sản phẩm như: ĐTDĐ, máy giặt, máy tính tiền, tủ lạnh thông minh… PM hoạt động theo yêu cầu của khách hàng. Đây là hướng đi cần lưu ý cho nhiều DN Việt Nam. Trên thực tế, để phát triển và xuất khẩu phần cứng nếu cứ nhìn Intel với chỉ một nhà máy kiểm định chip đã tốn cả tỷ USD đầu tư thì sẽ không có lối ra cho các quốc gia nhỏ. Nhưng nếu tập trung nghiên cứu chọn các phân khúc khác như PM nhúng thì cơ hội là rất lớn. 

Trước nay, quan niệm cứng, mềm phải rõ ràng nhưng với sự phát triển như hiện nay chỉ phân loại một cách tương đối và PM đã hiện hữu khắp mọi nơi. Trong các thiết bị vận hành của phần cứng đều phải nhờ đến PM. Ngay trong từng phân khúc PM cũng có nhiều phân loại, chúng ta cần chọn phân khúc thích hợp. Đó chính là R&D trong PM nhúng. Đây là phân khúc nhiều tiềm năng, phù hợp với trình độ người VIệt. 

Muốn phát triển R&D, cần có phòng lab, phục vụ nghiên cứu. Nhưng thực tế hiện nay, nếu nhập phòng lab về, DN sẽ rất khó khăn do chính sách của chúng ta chỉ ưu đãi thuế với hàng tạm nhập, tái xuất. Trong khi đó, thiết bị lab nhập về nhưng xuất lại là sản phẩm chất xám. Sản phẩm này hoàn toàn do tư duy nhưng chúng chỉ có thể ra đời được nếu có phòng lab.

Doanh nghiệp mong được nhập khẩu tại chỗ

Hiện hầu hết các thiết bị dùng để sản xuất máy tính đều đã được xuất tại Việt Nam như Foxcon tại Bắc Ninh; Intel tại TP.HCM; Samsung Vina có màn hình… Để lắp ráp máy tính cần 12 món thì những món có giá trị lớn đều có thể sản xuất tại Việt Nam.  

Vậy thay vì DN Việt Nam phải ra nước ngoài mua hàng thì nếu có thể đặt mua những linh kiện được sản xuất tại chính Việt Nam (DN sẵn sàng đóng thuế nhập khẩu) thì sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Điều đó giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi đó giá máy tính thương hiệu Việt sẽ cạnh tranh hơn, DN có cơ hội đầu tư cho thương hiệu. Nếu được Chính phủ lưu tâm vào vấn đề này thì đây là sự hỗ trợ rất thiết thực và cần thiết. 

Phạm Thiện Nghệ

Nguồn PCWorld VN