Doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quen dùng dịch vụ CNTT

1 post / 0 mới
tat1409
Offline
Truy cập lần cuối: 3 tháng 2 tuần trước
Tham gia: 16/05/2015 - 15:44
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quen dùng dịch vụ CNTT
"Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện nay ngoài không khai thác hết thế mạnh CNTT còn chưa quen trả tiền dùng dịch vụ CNTT", Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp, thuộc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam(VCCI), Lê Văn Lợi nhận xét.

Là người trực tiếp tham gia đề án “Hỗ trợ DN ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010” (Đề án 191), ông có thể nhận xét gì về nhu cầu ứng dụng CNTT của các DNVVN?  

Đại bộ phận DN nhỏ sắm thiết bị CNTT và các phần mềm (PM) thường không theo một chiến lược hay nhu cầu cụ thể. Họ thấy các DN khác mua thiết bị, PM thì họ cũng mua về, nhưng nhiều lúc không biết sử dụng ra sao. Có một số DN khác tiên tiến hơn thì thường đặt yêu cầu mua các PM có bản quyền phục vụ cho công việc thiết yếu, đó là phần mềm hỗ trợ kế toán. Hầu hết DN Việt Nam đều có kết nối Internet nhưng việc ứng dụng thư điện tử còn hạn chế, lượng người sử dụng thư điện tử chưa nhiều. DN cũng thường cử 1 người am hiểu về máy tính phụ trách luôn các công việc về CNTT và họ làm tất cả các công việc liên quan, người đứng đầu DN thường ít khi quan tâm đến một chiến lược ứng dụng CNTT để cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh hoặc tăng tính cạnh tranh cho DN trên thị trường.  

Chúng tôi đã làm một số cuộc điều tra nhỏ với câu hỏi “DN có cần các dịch vụ tư vấn về CNTT không?” thì phần lớn câu trả lời là “Không”! Với câu hỏi "Trong PM và các khoản đầu tư cho CNTT cần hỗ trợ gì nhiều nhất?" thì hầu hết đều trả lời “Giá cả phải thấp”!. Từ kết quả của nghiên cứu này có thể rút ra 2 vấn đề: Một là hầu hết DN chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ tư vấn về CNTT, hai là họ cũng ít quan tâm đến việc CNTT sẽ hỗ trợ gì cho DN. Họ hầu như không quan tâm đến các PM có chất lượng ra sao, có đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ hay không.  

Khi triển khai Đề án 191, chúng tôi thường đưa ra lời khuyên cho các DN là nên tải về những bản dùng thử trước các PM DN dự định sẽ đầu tư. DN cần đầu tư đủ nhân lực có chuyên môn để thử nghiệm hết tính năng của nó trước khi quyết định mua. DN không nên tham rẻ để mua những PM chưa biết. DN cũng nên xem mạng lưới hỗ trợ của đơn vị cung cấp dịch vụ có tốt hay không. Tóm lại, trước khi quyết định mua PM, nên tìm hiểu kỹ thông tin.  

Đề án 191 cũng đã có những hỗ trợ nhất định cho các DN mẫu như về hợp thức hóa bản quyền PM, hỗ trợ phần cứng và các khóa đào tạo. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được hỗ trợ. Chỉ những DN mẫu được xem xét thông qua đề xuất của các sở TTTT địa phương mới được hỗ trợ. Các cuộc hội thảo của VCCI trong khuôn khổ đề án cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng PM nguồn mở (PMNM) cho DN, trong đó nhấn mạnh việc đầu tư cho các dịch vụ tư vấn.

Đánh giá của ông về thị trường PM dành cho DNVVN?  

DN Việt Nam chủ yếu làm thương mại, dịch vụ quy mô nhỏ. Ngoài PM kế toán họ ít cần đến các PM khác. Những DN siêu nhỏ thậm chí không cần trang bị PM kế toán mà họ thuê kế toán từ bên ngoài. Có một đặc thù ở Việt Nam là kế toán gắn liền với thuế (làm kế toán để nộp thuế cho “tối ưu”), vì vậy, các nhân viên kế toán thường am hiểu về thuế. Tất nhiên các DN lớn hơn một chút thường có bộ phận kế toán riêng.  

Trong khi đó, các DN ở Việt Nam chưa có thói quen quản lý quan hệ khách hàng (KH). Một số ít DN đã ý thức được việc cần giữ khách hàng cũ (gửi thư, gửi quà) và tìm kiếm KH tiềm năng thông qua các chiến dịch khuyến mãi, quảng cáo. Thị trường hiện có nhiều PMNM nên các công ty cung cấp giải pháp quản lý quan hệ KH gặp nhiều khó khăn.  

Một thị trường tiềm năng nữa là xây dựng website cho DN. Tuy nhiên, ngược lại với việc dễ dàng có được website, DN lại rất ít khi cập nhật thông tin cho website của mình. PM văn phòng rất khó kinh doanh vì hoặc bị sao chép lậu hoặc DN sử dụng PMNM, nên khó bán được. Các giải pháp quản lý nhân sự - tiền lương - kho thường được tích hợp vào PM kế toán do quy mô của phần lớn các DN VN còn nhỏ.

Từ nhu cầu của DN và hiện trạng thị trường PM Việt Nam, các DNVVN cần ứng dụng CNTT như thế nào để đạt hiệu quả?  

Hầu hết DN đang sử dụng CNTT chưa hiệu quả. Với Internet, họ có thể tra cứu thông tin giá cả để tìm nơi bán rẻ, tìm kiếm bạn hàng, đối tác... Đây là sơ khởi ban đầu của việc ứng dụng CNTT. DN nên tham gia vào các sàn TMĐT, chẳng hạn như sàn rao vặt với giá rẻ đến việc đăng quảng cáo trên các website uy tín để tăng cường quảng bá thương hiệu của mình. Nếu DN kết nối Internet chỉ đơn thuần tra cứu thông tin thì rất lãng phí.  

Ngoài ra, DN nên tạo thói quen trao đổi qua email. Đây là một hình thức trao đổi thông tin rẻ, hiệu quả. DN cũng nên hưởng ứng các dịch vụ công của Nhà nước như khai báo thủ tục thuế, hải quan điện tử qua mạng. Đây là những thủ tục bắt buộc, trước sau gì DN cũng phải tham gia cuộc chơi này. Thời gian tới, VCCI sẽ kết hợp với Hiệp hội PM Kế toán và Trung tâm Chứng thực Chữ ký số Quốc gia để tích hợp với phần mềm kê khai thuế, sao cho DN có thể kết xuất dữ liệu từ PM kế toán sang PM kê khai thuế. Quan điểm của VCCI là mọi DN đều cần được hỗ trợ để làm thủ tục thuế thuận lợi hơn. Mỗi doanh nghiệp bị chậm, dù chỉ 1 giây, là đã thiệt hại tiền của DN, đó cũng là tài sản của xã hội.

Thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ, DNVVN phải đảm bảo 2 điều kiện: có số lượng lao động trung bình hàng năm nhỏ hơn hoặc bằng 300 và có vốn đăng ký kinh doanh nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng. 

Các nước Mỹ và EU tính quy mô DN thường dựa vào số người làm việc, chia thành 3 loại: DN siêu nhỏ (micro enterprise): dưới 10 người; DN nhỏ (small enterprise) với 2 mốc chính: nhỏ hơn hoặc bằng 50 và nhỏ hơn hoặc bằng 100 người; DN vừa (medium enterprise): nhỏ hơn hoặc bằng 250 người. Các nước này hầu như không quy định về vốn và doanh thu vì đây là những con số nhiều biến động, khó chính xác. 

Theo quy định hiện hành, hiện Việt Nam có khoảng trên 400.000 DNVVN, chiếm 94% các loại hình doanh nghiệp (chưa tính hộ kinh doanh cá thể). Mục tiêu của Nhà nước trong tương lai là sẽ đưa các hộ kinh doanh cá thể thành những DN siêu nhỏ nằm trong hệ thống DNVVN của Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ có khoảng vài triệu DN.

 
Theo PCWorld VN