Nhìn theo nhóm chuyên môn khi vào làm việc là có nhóm phát triển (developer), quản trị ngân hàng dữ liệu (database administrator), quản trị mạng (LAN administrator), an ninh mạng (Network Security), quản lý cơ sở dữ liệu (data center management)...
Tùy theo nơi, nhóm phát triển có khi chia làm nhiều tiều nhóm là lập trình (programmer), thử nghiệm (tester), bảo trì (support), lập trình kiêm phân tích (programmer-analyst) hay chỉ chuyên việc phân tích (analyst), nhóm viết tài liệu sử dụng huấn luyện (technical writer). Có chỗ có thêm nhóm phân tích quy trình kinh doanh (business analyst). Có công ty hay cơ quan nhỏ chỉ tổ chức một hay hai nhóm nhưng làm tất cả các công việc đã kể trên…
Đó là nôm na những công việc của những người làm CNTT. Còn một số chuyên biệt khác như viết “firmware” tức viết những chương trình để đốt vào các chip điện tử. Việc này thường là các hãng tuyển người từ ngành CNTT, Toán hay kỹ sư vào và đào tạo. Đương nhiên những người làm những công việc đó phải biết những chuyên môn của nhóm việc đó. Những chuyên môn này có khi đã được học từ đại học hay được công ty đưa đi học những khoá huấn luyện chuyên môn.
Ở Mỹ hay các nước phát triển khác còn một ngành CNTT gọi là “informatic” nhưng thuộc ngành Kỹ thuật sinh học (Bio Engineering). Môn “informatic” này là để làn những phần mềm xử lý hình ảnh ba chiều trong y học chẳng hạn (scanner). Đối với những ngành khác nhất là Kinh Tế, Luật, Văn Chương, … mọi người phài biết sử dụng máy vi tính và dùng những phần mềm văn phòng như Microsoft Office mà tối thiểu là món xử lý văn bản Microsoft Word.
Đành rằng Tổng giám đốc có thư ký riêng để lo chuyện xử lý văn bản nhưng cũng không thể không tự soạn khi thư ký không có mặt hay những văn kiện mà độ riêng tư không cho phép đưa người khác lo. Riêng phần mềm văn phòng này, theo tôi nghĩ là những kiến thức mà người tự xưng là chuyên viên CNTT là phài biết hay ít nhất là có những kiến thức tối thiểu để khi nhập cuộc là có thể tự học trong một thời gian rất ngắn.
Nhìn theo lăng kính thời gian, nói nôm na là có một thế hệ “mainframe” cách đây ba mươi năm sống và làm việc trong ngành CNTT, có những người bằng lòng với kiến thức đang có và sống với trình độ máy móc, công nghệ mà công ty đang dùng. Khi nào công ty mua máy mới, kỹ thuật mới thì công ty cho đi huấn luyện chuyên môn. Và họ sống với chuyên môn đó cho tới khi đợt mua máy mới hơn diễn ra. Ngành CNTT trong 30 năm qua đã thay đổi và tiến bộ rất nhiều, gấp hàng trăm lần so với lúc IBM 360 là một trong những thành công của máy tính những năm 1960. Từ khi có những ngôn ngữ có thêm chữ “visual” ở đầu tên: Visual Basic, Visual C++, Visual C#, Visual Fox Pro, Visual Cobol… việc lập trình không còn viết từ A đến Z như thời kỳ của Fortran, Cobol, Basic mà người viết phải lo từng chi tiết nhỏ nhất của màn ảnh…
Vài ba điều kể trên là để nói chuyện học cách nào nó cũng chịu ảnh hưởng của điều kiện, môi trường và độ phát triển của CNTT lúc đó. Khi tôi học CNTT, tôi cũng học viết những đoạn chương trình trên giấy, từ đục lỗ mấy tấm cạc xong mới đưa vào máy tính đọc và xử lý. Một chồng cạc đục lỗ (punch cards) từ vài trăm đến vài ngàn tấm là một chương trình (program).
Hồi ấy máy mini PDP 11/70 (ra thị trường năm 1973) bộ nhớ chỉ có 64K, bây giờ một cái vi tính ít nhất là 1 GB (hơn nghìn MB). Hồi đó tôi phải học máy Turing (chi là máy lý thuyết trên giấy do ông Turing nghĩ ra) để có ý niệm về cách vận hành của một máy tính. Thế hệ CNTT cận đại sẽ phải học những điều mới phức tạp hơn nên học theo kiểu cũ suông hoặc chay là mất rất nhiều thời gian vả sẽ rất khó kiếm việc được vì khi đi phỏng vấn người ta không còn hỏi những câu lý thuyết nữa mà đi ngay vào chuyên môn…
Theo tôi, muốn thành một chuyên viên CNTT giỏi sau này, người sinh viên phải có: một đầu óc logic (có nhiếu cách để test), có một cơ bản về toán (nhiều người không hiểu dễ dàng về hệ nhị phân chẳng hạn) và nhất là phải khá Anh Văn (đọc và hiểu những bài về CNTT). Hiện nay, không ai có thể chối cãi là thông tin về bất cứ ngành nghề nào kể cả CNTT là có đầy rẫy trên Internet. Phải đào tạo làm sao cho sinh viên biết “học” từ khối thông tin khổng lồ mà Internet đưa lại.
Sinh viên Việt Nam học về CNTT, năm đầu chỉ học 4 chuyện: tập đánh máy 10 ngón (có phần mềm bán sẵn), Anh Văn, phần mềm xử lý văn bản Microsoft Office (ưu tiên cho Word và Power Point), Tìm kiếm thông tin từ Internet (dạy phương pháp tìm kiến và đúc kết thành tài liệu). Chỗ này, cần nói thêm là ở Mỹ, sinh viên (hay cả từ năm lớp 11 hay 12, đều phải học cách tìm thông tin tài liệu từ Thư Viện, Tự Điển Bách Khoa, báo chí và Internet). Tôi chỉ tập trung vào Internet vì thư viện mình còn nghèo, sách vở hiếm và đa số là lạc hậu và không đầy đủ.
Sinh viên còn phải học tránh đạo văn (plagiarism). Nhiều đại học có quy định là đuổi tức khắc những sinh viên nào đạo văn của người khác. Môn này tạm gọi là “Viết đề tài nghiên cứu” là hết sức quan trọng vì sinh viên biết được làm thế nào để khoanh vùng đề tài nghiên cứu, tìm, đánh giá và chọn những thông tin có giá trị (không phải ai nói gì cũng đúng), trích dẫn, đúc kết, tổng lược là nhất là đưa ra suy nghĩ, sáng kiến và đánh giá của mình. Môn này hoàn toàn thiếu vắng trong gần như tất cả đại học ở Việt Nam. Qua năm đầu, khi sinh viên nắm vững Anh Văn, phương pháp tìm, chọn lựa, đánh giá, xử lý một số lượng thông tin lớn để tự mình trình bày, đúc kết và đưa suy nghĩ của mình vào vấn đề mà mình đang tìm hiểu. Làm được chuyện đó, người sinh viên đã bắt đầu tự đứng trên hai chân của mình mà bước tới, bàn cãi với thầy. Lúc ấy thầy mới đúng là người chỉ đường, hướng dẫn. Ra đời không ai cấm mình có hàng ngàn tài liệu để trên bàn làm việc. Vấn đề là mình có khả năng khai thác, cập nhật và sử dụng những thông tin đó và biến chúng thành kỹ năng để thực hiện có kết quả việc mình làm hay không.
Theo vnexpress