Kỹ năng phân tích, xử lý tư liệu

1 post / 0 mới
ngiapro
Offline
Truy cập lần cuối: 8 năm 2 tháng trước
Tham gia: 01/06/2010 - 20:22
Kỹ năng phân tích, xử lý tư liệu
Trong các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, học sinh (HS) được làm quen nhiều phương pháp học khác nhau để tiếp cận tri thức một cách hoàn hảo. Riêng với bộ môn lịch sử và địa lý thì người học không thể bỏ qua kỹ năng phân tích và xử lý tư liệu. Có thể coi đây là một phương pháp đặc trưng khi học tập hai bộ môn này.
 
 
Học không chỉ để nhớ
Có giáo viên quan niệm rằng muốn HS hiểu sâu và biết nhiều kiến thức, cách tốt nhất là dung nạp thật nhiều tư liệu trong quá trình giảng bài. Thực ra điều này chỉ đúng một phần vì tư liệu là những chứng cứ giúp người học nhận biết thông tin, nhưng tư liệu chỉ là những “món ăn” đơn thuần nếu không biết cách “tiêu hóa” thì cách “ăn” như vậy cũng dễ bị bội thực. Vì thế, muốn đạt được mục đích giáo dục, giáo viên phải giúp HS rèn luyện thành thạo kỹ năng phân tích tư liệu. Chỉ có thông qua thao tác phân tích tư liệu thì HS mới nhớ và hiểu sâu hơn nội dung bài giảng để từ đó biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của mình.
Khi dạy bài 13 môn sử (Nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới) trong chương trình lớp 12, thầy Nguyễn Vũ Mỹ - giáo viên Trung tâm GDTX Gia Định - muốn cho HS nắm được những kiến thức cơ bản về sự vươn lên mạnh mẽ của nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đặc biệt là thời kỳ bùng phát của kinh tế trong thập niên 20 thế kỷ XX. Bên cạnh đó HS cũng thấy rõ tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế (1929-1933) đối với quốc gia này và đặc biệt là chính sách của Tổng thống Ru-dơ-ven trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng nhằm bước vào một thời kỳ phát triển mới. Để làm trọn vẹn được điều này, giáo viên đã kết hợp phương pháp diễn giảng với trình bày số liệu qua màn hình trình chiếu trên bảng. Từ sự tiếp thu bằng thính giác và những hình ảnh trực quan sinh động, các em có thêm những tư liệu chính xác và đầy đủ như trong sách giáo khoa đã trình bày. Không dừng lại ở đó, bằng sự gợi ý từ bài học trước, giáo viên đã hướng các em đi vào công việc cụ thể và có phần khó khăn hơn là phân tích toàn bộ tư liệu lịch sử để thấy rõ hơn bản chất của vấn đề. Đây cũng là cách dạy của cô Nguyễn Kim Dung - giáo viên Trung tâm GDTX quận 3 khi lên lớp bài Cách mạng công nghiệp hóa các nước ở châu Âu. Đứng trước các tư liệu lịch sử, cô đã hướng dẫn các em đi sâu vào vấn đề thông qua cách đặt câu hỏi và sau đó tìm ý để trả lời như: Những tư liệu đó phản ảnh điều gì của lịch sử? Vì sao giai đoạn này lại có những sự kiện lịch sử đó?...
Khi các em trả lời được các câu hỏi này thì cũng đồng nghĩa với việc hiểu sâu hơn bản chất của lịch sử, của từng sự kiện.
Học cần phải khắc sâu
Theo thầy Nguyễn Vũ Mỹ, ngoài kỹ năng phân tích tư liệu, người học cũng cần được trang bị tốt kỹ năng xử lý số liệu, xử lý biểu đồ không ngoài mục đích cắt nghĩa chính xác và sâu sắc các sự kiện lịch sử. Khi dạy sang phần hậu quả nặng nề mà cuộc khủng hoảng đã gây ra ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội Mỹ nhất vào năm 1933, thầy đã chiếu lên màn hình biểu đồ chỉ số thất nghiệp của người dân Mỹ trong vòng 10 năm (1930-1940) để các em nhận biết. Cũng từ cách nhận biết cụ thể này, thầy tiếp tục giúp các em hiểu sâu hơn bản chất của sự kiện bằng cách cho phân tích và đưa ra nhận xét biểu đồ. Nếu nhận xét chính xác và có sự so sánh rõ ràng thì các em sẽ hiểu được “đồ thị” mà thầy đưa ra trên bảng biểu. Như vậy, không cần học kỹ và đọc theo kiểu học thuộc lòng, người học vẫn thuộc và hiểu bài ngay tại lớp. Ở phần thảo luận nhóm, thầy cũng thường xuyên nhắc nhở và giúp các em phân tích tiếp các số liệu đã có trong sách giáo khoa và những câu hỏi trắc nghiệm. Tuy phương pháp khác nhau nhưng đều hướng vào một mục đích chung là giúp người học hiểu đúng và hiểu sâu bản chất cũng như quá trình phát triển của lịch sử và thời đại.
Ông Lê Văn Chương - Chuyên viên Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM) - cho rằng môn học lịch sử có 2 phần: Sử và luận. Điều đó có nghĩa là ngoài số liệu, tư liệu hay sự kiện, môn học này đòi hỏi người học phải vận dụng lý luận để “giải trình và biện luận” những tri thức đã học. Có như vậy kiến thức lịch sử mới đứng trên một quan điểm lịch sử nhất định và quan điểm thời đại vững vàng. Cách học này khác xa với lối học thuộc lòng theo kiểu “tầm chương trích cú”, học chỉ nhớ mà không cần hiểu.

Theo giaoduc.edu.vn