Business Analyst: Phụ tá đắc lực cho doanh nghiệp startup

“Để xây dựng một hệ thống quản trị, hệ thống vận hành tốt và linh hoạt đáp ứng sự thay đổi trong môi trường kinh doanh đa dạng của xu thế toàn cầu hóa, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp startup nói riêng cần phân tích và nhìn nhận hệ thống của mình một cách thấu đáo”, đó là nhận định của ông Đề Đoàn, chuyên gia phân tích kinh doanh trong buổi hội thảo “Chân dung của Business Analyst Chuyên nghiệp” diễn ra trong tuần qua tại TP HCM.

Ông Đề Đoàn chia sẻ tại Hội thảo "Chân dung của Business Analyst Chuyên nghiệp”

Tại hội thảo, ông Đề cho biết “thông thường việc xây dựng hệ thống kinh doanh và tối ưu hoá các quy trình nghiệp vụ thường được thực hiện bởi lãnh đạo và trưởng các bộ phận chức năng. Nhưng nay, để đảm bảo cho việc điều hành và thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, công việc này được chuyển giao sang một vị trí mới là Chuyên viên phân tích kinh doanh”.

Theo ông Đề, Chuyên viên phân tích kinh doanh (Business Analyst - BA) là người có đầy đủ kiến thức và thành thục kỹ năng, họ sẽ nghiên cứu, phân tích các vấn đề của doanh nghiệp để tìm ra các cơ hội hoặc thách thức cho toàn hệ thống, từng mảng hoặc từng khâu trong doanh nghiệp để từ đó đưa ra các giải pháp đề xuất giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt các cơ hội hoặc giải quyết các thách thức một cách nhanh chóng.

Công việc của BA hiện được chia làm 3 nhóm chính gồm:

  • Nhóm phân tích chiến lược: Tập trung vào phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và các cơ hội của doanh nghiệp hoặc mảng kinh doanh, mảng chức năng của doanh nghiệp.
  • Nhóm phân tích quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ: Tập trung vào tối ưu hoá và tích hợp các quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ và giải pháp mới đáp ứng mục tiêu kinh doanh.
  • Nhóm phân tích yêu cầu sản phẩm hoặc giải pháp: Tập trung vào việc mô tả và mô hình hoá các chức năng, yêu cầu nghiệp vụ, chất lượng của sản phẩm hoặc giải pháp và các quy trình tác nghiệp.

Khách mời giao lưu cùng chuyên gia

Đối với doanh nghiệp startup, việc phân tích sản phẩm, thị trường sẽ giúp các bạn đón đầu những biến động mới để chủ động xây dựng những đối pháp phù hợp đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Mỗi cá nhân trong một doanh nghiệp đều có thể học tập để trở thành một nhà phân tích kinh doanh cho lĩnh vực mình phụ trách. Chứ không nhất thiết phải thuê một chuyên viên phân tích kinh doanh”, ông Đề chia sẻ.

Theo đó, để trở thành một BA chuyên nghiệp, các startup cần có những kiến thức và kỹ năng cần thiết như:

  • Kiến thức về ngành nghề kinh doanh
  • Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng tương tác
  • Đạo đức cá nhân
  • Kiến thức về công nghệ và công cụ

Ngoài ra, các bạn nên thực hành và trải nghiệm nhiều hơn nữa để có thêm kinh nghiệm.

Dự kiến, chương trình sẽ được tổ chức định kỳ theo quý. “Chân dung Business Analyst Chuyên nghiệp” là chủ đề thứ 9 mà cộng đồng Business Analyst Việt Nam phối hợp với APEX Global) tổ chức. Đây là dịp để các chuyên gia và người làm nghề chia sẻ với nhau về kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn ở các dự án, cách tiếp cận hiệu quả để giúp dự án thành công, và giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Trần Thị Ngọc Hoài (VITV.vn)

 

Bình luận

Dạ cho em hỏi hướng nghành BA là cần kỹ năng gì ạ

 

hi bạn, BA thì cần trang bị cho mình những kỹ năng sau:

- Kỹ năng tư duy phân tích & giải quyết vấn đề

- Kỹ năng giao tiếp

- Kỹ năng tương tác với mọi người (họp hành, làm việc nhóm)

- Kỹ năng sử dụng phần mềm (phần mềm văn phòng, vẽ mô hình hệ thống)

Hope it help!