Nghề phân tích hệ thống: Quản lý tốt yêu cầu ở mọi cấp độ!

Người phân tích hệ thống (Business Analyst - BA) là người luôn phải làm việc với các yêu cầu từ phía công ty, người dùng, hệ thống. Vậy bạn có biết chính xác Yêu cầu là gì? Có bao nhiêu loại yêu cầu và mối quan hệ giữa các thuộc tính yêu cầu là như thế nào?

Yêu cầu là những phát biểu dưới dạng ngôn ngữ hay văn bản về những dịch vụ mà hệ thống sẽ cung cấp, cũng có thể là một ràng buộc mà hệ thống phải tuân theo hay là một mục tiêu mà hệ thống phải đạt được.

Có các loại yêu cầu:

  • Yêu cầu từ cấp độ kinh doanh (Business requirement)
  • Yêu cầu từ người dùng (Stakeholder requirement)
  • Yêu cầu chức năng của hệ thống (Functional requirement)
  • Yêu cầu phi chức năng của hệ thống (Non- functional requirement)

Yêu cầu từ cấp độ kinh doanh (Business requirement) là tuyên bố cấp cao về những mục đích, mục tiêu, hoặc nhu cầu của doanh nghiệp. Những tuyên bố này mô tả các lý do tại sao một dự án cần được khởi xướng, các mục tiêu mà dự án sẽ đạt được, và các số liệu sẽ được sử dụng để đo lường sự thành công của nó. Yêu cầu cấp độ kinh doanh mô tả nhu cầu của tổ chức như một tổng thể, mà không phải nhóm/phòng ban hoặc các bên liên quan bên trong doanh nghiệp.

Yêu cầu từ người dùng (Stakeholder requirement) là tuyên bố cấp thấp hơn về nhu cầu của đối tượng liên quan cụ thể hoặc một nhóm các bên liên quan. Dạng yêu cầu này đóng vai trò như một cầu nối giữa các yêu cầu ở cấp độ kinh doanh và các lớp yêu cầu chi tiết hơn về mặt giải pháp.

Yêu cầu chức năng của hệ thống (Functional requirement) là tuyên bố chi tiết về mặt giải pháp. Chúng mô tả cách ứng xử và thông tin liên quan, cụ thể là mô tả năng lực hệ thống sẽ có thể thực hiện xét về khía cạnh các ứng xử và sự vận hành thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Yêu cầu phi chức năng của hệ thống (Non-Functional Requirement) cũng là tuyên bố về mặt giải pháp nhưng mô tả không liên quan trực tiếp đến cách ứng xử hoặc chức năng của hệ thống, mà mô tả các điều kiện môi trường, theo đó các giải pháp phải có tính hiệu lực hoặc có tính chất lượng. Nói ngắn gọn đây là dạng yêu cầu chất lượng hoặc các yêu cầu bổ sung thêm vào cho yêu cầu chức năng. Thuộc tính chất lượng được đề cập là năng lực, tốc độ, tính bảo mật an toàn, kiến trúc thông tin và các giao diện người dùng.

Trên đây là những loại yêu cầu từ cấp độ cao cho đến cấp độ chi tiết. Tiếp đến, BA cần biết những phụ thuộc và mối quan hệ giữa yêu cầu với nhau vì chúng giúp xác định trình tự để triển khai thực hiện yêu cầu. Có các mối quan hệ cơ bản sau:

▶▶ Tính cần thiết: mối quan hệ này tồn tại khi một yêu cầu đặc biệt được thực hiện nếu một yêu cầu có liên quan cũng được thực hiện. Mối quan hệ này có thể là một chiều hoặc hai chiều.

▶▶ Nỗ lực: mối quan hệ này tồn tại khi một yêu cầu dễ thực hiện hơn nếu một yêu cầu có liên quan cũng được thực hiện.

▶▶ Tập hợp con: Khi yêu cầu là các kết quả con của yêu cầu khác.

▶▶ Bao quát: Khi yêu cầu bao quát các yêu cầu khác.

▶▶ Giá trị: Khi có một yêu cầu ảnh hưởng đến mức độ cần thiết của một yêu cầu liên quan. Theo đó, chỉ có một trong những yêu cầu cần được thực hiện thôi (ví dụ, chỉ chọn một trong hai tính năng khi chúng đều có khả năng đáp ứng yêu cầu kinh doanh).

Kết luận: thông qua hiểu biết những kiến thức trên sẽ giúp BA quản lý tốt các yêu cầu để tạo ra và duy trì mối quan hệ giữa các mục tiêu kinh doanh, yêu cầu với các giải pháp chi tiết trong công tác phân tích hệ thống kinh doanh (Business Analysis) của người BA .