Kỹ năng phân tích là gì?

1 post / 0 mới
dientranit
Offline
Truy cập lần cuối: 8 năm 11 tháng trước
Tham gia: 30/05/2010 - 13:50
Kỹ năng phân tích là gì?

Chào các bạn, Trong các kỹ năng suy nghĩ và lý luận thì có lẽ kỹ năng phân tích (analytical skill) được xem là quan trọng hơn cả. Hầu như bất cứ quảng cáo tìm chuyên gia hay quản lý nào ở Mỹ cũng ghi điều kiện “good analytical skill.” Vậy , kỹ năng phân tích là gì? Và tại sao nó quan trong đến thế?

Phân tích có nghĩa là chẻ vấn đề ra thành từng mảnh nhỏ, để hiểu từng chi tiết, từng khía cạnh nhỏ, hiểu được vấn đề từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, cũng như người thợ máy rã cái máy khổng lồ thành trăm mảnh vụn để tìm và chữa bệnh bên trong lòng máy. Người ta thường dùng chỉ một từ phân tích, nhưng trong thực tế, phân tích còn bao hàm ý tổng hợp. Tổng hợp là ngược lại của phân tích, là ráp trăm mảnh phụ tùng lặt vặt lại thành chiếc máy. Nếu rã máy mà không lắp lại được, thì đó là phá máy chứ không phải là phân tích, phải không? Tuy nhiên, người ta ít chú tâm và ít nói đến tổng hợp, vì người giỏi phân tích tự nhiên là giỏi tổng hợp, cũng như người rã máy thường xuyên thì đương nhiên là sẽ biết ráp trở lại.

Trên phương diện lý luận, kỹ năng phân tích có thể gom vào một chữ–“hỏi.” Người phân tích là người biết đặt câu hỏi, như chuyên viên điều tra. Nghe bất cứ điều gì cũng có thể đặt câu hỏi. Nói tóm tắt là “Hỏi cho ra lẽ.” Trong các chương trình giảng dạy về điều tra cho nhân viên an ninh, ký giả, luật sư, v.v… người ta dạy một công thức hỏi giản dị–5W1H–what, where, when, who, why và how. Chuyện gì xảy ra, ở đâu, lúc nào, xảy ra với ai, tại sao xảy ra, xảy ra cách nào. Ví dụ:

“Trời ơi, ngoài đường Lê Văn Sỹ cháy dữ lắm!”
1. “Vậy hả? Cái gì cháy.” (what)
“Xe hơi.”
2. “Chỗ nào” (where)
“Cổng số sáu?”
3. “Đang cháy hả?” (when)
“Ừ, đang cháy. Tui mới ở đó về.”
4. “Cháy sao?” (how)
“Thấy cháy đầu máy, lan ra giữa xe rồi. Chắc nổ thùng xăng quá.”
5. “Tại sao cháy vậy?” (Why)
“Không biết. Chắc hết dầu máy, xe nóng quá. Hay là gì đó.”
6. “Có ai bị thương không?” (who)

“Thấy có ông tài xế với một bà đứng đó. Không thấy ai trong xe. Không thấy ai bị thương.”

Trong nghề ký giả, một bản tin vắn tắt cũng phải có tối thiểu là 6 yếu tố này mới được xem như hội đủ tiêu chuẩn. Dĩ nhiên, mỗi câu trả lời trong này lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi khác, và mỗi câu trả lời mới lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi mới. Chỉ trong một lúc thôi, là 6 câu hỏi đầu tiên có thể đẻ ra hằng trăm câu hỏi mới, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi người điều tra thấy không cần phải hỏi thêm nữa. (Vì vậy các luật sư luôn luôn khuyên các thân chủ trong các vụ kiện là “không nói gì với ai hết.” Nói môt câu là trả lời một năm chưa xong).

Động não

Trong nghệ thuật lý luận và hùng biện, phương pháp này còn gọi là phương pháp Socrates, vì triết gia Socrates của Hy Lạp thường biện luận bằng cách dựa vào câu nói của đối thủ rồi bắt đầu hỏi ông ta, cho đến khi ông ta phải công nhận là điều ông ta nói không đúng.

Ví dụ: “Đàn ông xấu.”
“Chị nói sao?”
“Tui nói đàn ông xấu.”
“Vậy tui xấu sao?”
“Anh ngoại lệ. Anh là bạn tốt của tui.”
“Vậy ba của chị thì sao?”
“Ba tui ngoại lệ.”
“Ông nội cũng ngoại lệ?”
“Ừ.”
“Vậy chị còn nói đàn ông xấu nữa không?”
“Thôi. Tui nói, đàn ông xấu, ngoại trừ một thiểu số.”
“Thiểu số đó là những ai vậy?”

Và cứ thế mà tiếp tục.

Trong đời sống tri thức, cái nhìn phân tích là cái nhìn đánh dấu hỏi trên mọi giả thuyết, mọi định đề, mọi câu nói, mọi từ ngữ, cho đến khi người hỏi thỏa mãn với mọi câu trả lời. Vì vậy, khả năng phân tích (analytical skill) chính là cốt lõi của tư duy phê phán (cirital thinking) mà ta đã nhắc qua trước đây trong bài “Tư duy tích cực.” Tư duy phê phán có nghĩa là không chấp nhận điều gì là đúng cho đến khi ta đã nghiên cứu mọi khía cạnh lớn nhỏ của vấn đề, để kết luận và phê phán cái gì đúng cái gì sai. Và trong tiến tình nghiên cứu đó, kỹ năng phân tích là kỹ năng số một, nếu không phải là kỹ năng duy nhất.

Ta có thể thấy ngay là trong một cuộc biện luận dùng phân tích, người ta có thể đi hoài đến vô tận, không bao giờ ngừng, Một cuộc nói chuyện có thể bắt đầu từ trung tâm thành phố Nha Trang và chỉ một lúc sau đã có thể lang thang trên những đỉnh tuyết trắng trên dãy Alps của Âu châu hay những thảo nguyên hừng hực nóng ở Châu Phi. Vì vậy, kỹ năng phân tích rất hữu ích trong những buổi động não (brainstorm) tìm ánh sáng sáng tạo.

Này, này, ông lý sự cái này này!

Và dĩ nhiên là trong nhiều cuộc tranh luận ta hay thấy trên Internet, nó có thể làm cho tất cả mọi người, từ người tranh luận cho đến người đọc, lạc sâu trong những cánh rừng rậm hoang vu. Cho nên, trong thực tế ta phải biết khi nào thì ngưng, hay tạm ngưng, phân tích vì những lý do thực tiễn—không thể cứ ngồi đó phân tích hoài, hoặc phân tích quá xa so với chủ đề ban đầu. Hơn nữa, chúng ta phải biết giới hạn của ngôn ngữ và lý luận. Ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Ta không thể cứ tin vào ngôn ngữ 100% để giải quyết mọi vấn đề. Ví dụ: Cái bàn là gì? Một mặt phẳng và bốn cái chân. Thế cái gường cũng là cái bàn sao? Không, cái bàn để ngồi và ăn uống. Vậy cái sập gụ các ông đồ ngồi dạy học có phải là cái bàn không? Không, người ta không ngồi trên bàn. Vậy nhà tôi có ông Phật ngồi trên bàn, nó là cái gì? Cứ như thế, nếu ta lấy ra bất kỳ một từ nào trong tự điển và bắt đầu phân tích, thì từ đó cũng đều không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều hạn chế. Ta phải biết các hạn chế đó.

Ngoài ra, đa số vấn đề trong đời sống, không thể cứ mang lời nói và lý luận ra mà giải quyết. Ví dụ: Một nhóm dân quê có thể nói với nhà nước như thế này: “Đây toàn là đất hương hỏa ông cha chúng tôi đã cả trăm năm để lại. Mấy ông đừng mang luật lệ, lý sự cùn, hay súng ống ra dọa. Chúng tôi không dời đi đâu hết. Chúng tôi sẵn sàng chết trên mảnh đất của chúng tôi.” Những trường hợp đó phải được giải quyết từ từ bằng đối thoại, cảm thông, và thuyết phục bằng tình cảm.

Kỹ năng phân tích, cũng như, mọi kỹ năng khác, được phát triển nhờ thực tập hằng ngày. Hiện nay, không có cách nào thực tập hay hơn là tranh luận trên các diễn đàn Internet. Cho nên nếu các bạn siêng tranh luận trên Net, trong những diễn đàn có quản lý tốt để các tranh luận được diễn ra lễ độ, thì đó là cách rất hay để phát triển.

Tuy nhiên có hai điều quan trong nhất trong việc phát triển kiến thức, các bạn cần ghi nhớ–đó là sự can đảm và tính thành thật trí thức (intellectual honesty).

1. Can đảm: Nếu ta sợ người ta cười tư tưởng của ta, ta sẽ không dám nói gì, và ta sẽ không bao giờ biết được chỗ yếu và chỗ mạnh của tư tưởng mình. Đó là chưa kể còn khối chuyện khác có thể làm ta sợ — sợ nói thì mất việc, mất tiền, mất sở.

2. Tính thành thật trí thức. Nếu chúng ta sợ chuyện gì đó—như sợ ông giám đốc—hay tham chuyện gì đó—như tham được lên chức—tiềm thức của ta sẽ điều khiển ta lúc nào cũng nghĩ hay và nói tốt về ông giám đốc, và không thấy được cả những quyết dịnh rất tồi của ông ta. Điều này ta gọi là “thiếu thành thật trí thức,” vì có thể là trong lòng chúng ta rất thành thật, nhưng tri thức của chúng ta đã thiếu thành thật vì bị quyền lợi cá nhân che mờ.

Dĩ nhiên, người tư duy tích cực luôn luôn chú trọng vào cái hay, cái tốt của người, và luôn luôn sống hòa ái. Điều cần nói ở đây là, trong khi chú trọng vào điều tốt, ta vẫn phải đủ sáng suốt để thấy mọi vấn đề, và khi thấy vấn đề nào cần giải quyết thì tìm cách giải quyết một cách tích cực và hòa ái. Người thiếu thành thật trí thức, không thấy được cả vấn đề.

Vấn đề lớn trong giáo dục đại học trên thế giới ngày nay là người ta dạy kỹ năng, nhưng không dạy đức hạnh. Cũng như thầy dạy kiếm thuật nhưng không cần biết học trò sẽ dùng kiếm để cứu người hay giết người. Kỹ năng, như là kỹ năng phân tích, chỉ là khí cụ như kiếm. Dùng kiếm thế nào trong cuộc đời mình là do mình có đủ can dảm và thành thật không.

(Theo usguide.org.vn)