TRIỂN VỌNG NGÀNH KỸ THUẬT PHẦN MỀM (CÔNG NGHỆ PHẦN MỀM)

Các giải pháp phần mềm hiện là công cụ không thể thiếu cho các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Chính nhu cầu này đã mở ra cơ hội phát triển cho công ty gia công phần mềm có uy tín tại Việt Nam.

Công nghiệp phần mềm là ước mơ lớn của người Việt, vì nhiều lý do.

Trước hết là ngay trong chiến lược phát triển khoa học – công nghệ được thiết kế những năm 1950. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, nhóm lập chính sách khoa học kỹ trị do Giáo sư Tạ Quang Bửu đứng đầu đã đặc biệt quan tâm đến phát triển toán học. Vì thế, hàng chục năm ròng, các thanh niên đỗ đại học tài năng nhất đều được cử đi học toán ở nước ngoài. Và từ tiềm năng toán học sang tin học, sang công nghiệp phần mềm chỉ có một bước. Ai cũng nghĩ vậy và các nhà lập chính sách nước nhà, vốn tin rằng cứ lên kế hoạch là thế nào cũng làm được, lại càng tin là vậy.

Tiếp đó, một lý do không kém phần quan trọng là những người nhảy vào lĩnh vực phần mềm lúc đầu, khoảng đầu những năm 1990 đều nghĩ rằng: Tập trung làm việc trên máy tính với các không gian ảo sẽ đỡ phiền toái hơn cho công việc khi môi trường xung quanh thực tình có nhiều nhiễu nhương của lúc giao thời chuyển từ quan liêu bao cấp sang thị trường định hướng XHCN. Cách suy nghĩ quả là ngây thơ sau 20 năm nhìn lại. Nhưng biết làm thế nào được, nếu biết rõ hơn có thể đã không có nhiều người sẵn sàng đi vào công nghiệp phần mềm như thế!

Theo báo cáo năm 2012 của UBND TP.HCM, doanh thu trong lĩnh vực phần mềm giảm 30% khiến chúng tôi rất lo ngại, nhưng sau khi đến thăm các công ty cho thấy lĩnh vực gia công phần mềm đang phát triển rất tốt… hứa hẹn những tín hiệu tốt cho năm 2013. Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Đầu tư, 11/3/2013.

Vậy nên khoảng 15 năm trước, trong sự hứng khởi được cởi trói sau Đổi mới, giới doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2000 đạt doanh số 500 triệu USD – một con số đáng nể ở thời điểm đó. Để rồi mục tiêu đó đương nhiên không đạt được. Và sự hiểu biết về làm công nghiệp, ngay cả phần mềm, cũng dày lên: công nghiệp phần mềm không phải là đi buôn máy tính từng chiếc sang các nước Liên xô cũ mà phải có sự tổ chức hiện đại và đầu tư theo quy mô lớn, hiện đại. Các khu công nghiệp phần mềm to lớn, các tòa nhà E-town được dựng lên, các khoa tin học và các trường đào tạo tin học được mở ra… Có thể nói, công nghiệp phần mềm là một trong những ngành được đầu tư bài bản nhất ở Việt Nam lúc đó.

Ngành công nghiệp non trẻ đó đã khởi đầu với hai thị trường chủ yếu: 1) các đặt hàng của nhà nước, nhất là trong sự kiện Y2K với nỗi lo sợ nhiễm từ thông tin đại chúng thế giới rằng nền kinh tế có thể sụp đổ vì một trục trặc ngẫu nhiên do cách tính thời gian; 2) các nhu cầu về phần mềm từ thị trường nước ngoài, vốn có hy vọng mơ hồ thông qua các chuyên gia Việt kiều rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.

Thị trường thứ nhất vốn rất nhỏ bé và khá thăng trầm theo ngẫu hứng của các cơ quan Chính phủ. Khi kinh tế đang phát triển, Chính phủ dư dật nên đề ra nhiều dự án từ chính phủ điện tử, cải cách hành chính đến các chương trình nâng cao tay nghề cho công chức, viên chức nhà nước. Không ít tiền đã được tiêu ở đây, không ít quan chức đã bị câu lưu vì giải ngân không đúng, nhưng một động lực mạnh mẽ đủ để toàn xã hội, nhất là giới doanh nghiệp tư nhân, quan tâm đến ứng dụng phần mềm để quản lý và nâng cao năng suất lao động thì chưa. Thậm chí, đến cả việc thống nhất sử dụng phần mềm tiếng Việt giữa hai miền Bắc và Nam vẫn chưa hoàn tất: người dân vẫn sử dụng theo thói quen của mỗi miền.

Nên dựa vào thị trường nội địa sẽ không thể phát triển công nghiệp phần mềm. Ít ra là cho đến khi có những thay đổi cơ bản trong việc tổ chức và điều hành nền kinh tế quốc dân, có lẽ khoảng 10 năm nữa. May ra, chỉ vài công ty sân sau của một số quan chức nào đó có đôi chút công việc để tồn tại. Khi kinh tế khó khăn như hiện nay, nhu cầu này cũng teo lại. Các doanh nghiệp tư nhân đang lo sống sót, mà cũng chưa có lợi gì nhiều từ việc ứng dụng tin học cho hoạt động kinh doanh của họ.

Thị trường thứ hai rộng lớn và ngày càng có nhiều cơ hội cho công nghiệp phần mềm Việt Nam, nhất là khi chúng ta đã điều chỉnh dần việc đào tạo và bổ túc nâng cao tay nghề cho các kỹ sư tin học để phù hợp với chuẩn thế giới sau sự kiện Công ty Intel của Mỹ định tuyển 2.000 nhân viên mà chỉ lấy chưa được 100 người. Doanh số tăng lên nhanh chóng và cái ngưỡng 500 triệu USD cũng được vượt qua nhanh chóng.

Nhưng thị trường thứ hai là thị trường thật, hoạt động theo quy luật cung cầu, với những lợi nhuận lớn khác thường đặc trưng của các hoạt động phần mềm cùng những đòi hỏi khắc nghiệt về chất lượng và tính phù hợp với những đặc trưng riêng biệt của khách hàng. Năm 2008-2009 khủng hoảng kinh tế bùng phát từ Mỹ và suy thoái nhanh chóng lan ra toàn thế giới. Công nghiệp phần mềm Việt Nam sụt giảm thê thảm: một công ty có tiếng như FPT mà được thị trường chứng khoán xếp vào hạng công ty không phải chuyên về công nghệ và tuyệt đại đa số doanh thu lại đến từ buôn bán điện thoại di động. Các công ty khác cũng đều nằm trong tình trạng chật vật.

Vì là thị trường thật, nên để sống sót, các công ty phần mềm phải tái cơ cấu thật và tức thì định hướng theo thị trường thế giới. Điều rất khác với những hô hào tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân mà các nhà kinh tế học quan phương và kinh viện đang cố đề xuất cho Chính phủ Việt Nam. Qua được khó khăn thì sẽ sống khỏe. Năm 2013 đã mở đầu với những tín hiệu lạc quan từ thị trường thế giới cho nền công nghiệp phần mềm nước nhà. Dự báo, năm 2013 khả năng tăng trưởng có thể khoảng 30-40%.

Thực tế hợp đồng đang đổ về và có xu hướng gia tăng. Công ty KMS Technology chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho thị trường Mỹ cho biết: Từ đầu năm 2013, họ đã liên tục nhận được đơn đặt hàng gia công phần mềm và hiện có đủ việc làm cho cả năm. Doanh số công ty đã tăng từ 4,51 triệu USD (năm2011) lên 6,7 triệu USD (năm 2012) và có thể đạt gần 9 triệu USD (năm 2013). Còn Công ty Global Cyber Soft có trụ sở tại Công viên phần mềm Quang Trung chuyên gia công phần mềm có tiếng tại Nhật bản cũng hồ hởi thông báo trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM là có thêm hợp đồng từ Bắc Mỹ – phát triển giải pháp phần mềm cho mạng viễn thông vệ tinh của khách hàng. Các công ty khác cũng đang tràn đầy tín hiệu lạc quan như vậy.

Giải thích cho hiện tượng này, TS Nguyễn Hữu Lệ – Chủ tịch TMA Solution – đề cập đến thực tế: Tuy bối cảnh kinh tế khó khăn, điều mà trên thương trường lúc nào chả thế, nhưng cơ hội cho các doanh nghiệp gia công phần mềm ngày càng tăng và đa dạng. Hiện nay, các giải pháp – sản phẩm công nghệ thông tin đã xuất hiện trong hầu hết hoạt động kinh tế. Bởi các giải pháp phần mềm là công cụ không thể thiếu cho các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong nền kinh tế tri thức hôm nay. Vì thế, nếu có uy tín, công ty gia công phần mềm sẽ có nhiều cơ hội.

Hiện nay, các doanh nghiệp phần mềm có uy tín đang ồ ạt tuyển thêm nhân viên. Công ty KMS đang xây dựng kế hoạch để phát triển nhân sự từ 500 người đến 1.000 người. Công ty TMA có 1.200 kỹ sư đang làm việc với hy vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2013. Còn FPT Software – Công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong tốp 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn độ) và NeoGroup (Mỹ) đánh giá dựa vào năng lực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO) – đang có kế hoạch tuyển dụng 1.000-1.500 kỹ sư/năm trong nhiều năm tới. Vấn đề của các công ty gia công phần mềm lúc này là liệu có đủ số người đạt chất lượng cho họ tuyển mộ hay không. Bởi công tác giáo dục – đào tạo của nước nhà đang ngày càng tụt hậu so với thế giới và so với nhu cầu của thị trường nội địa

Đằng sau những công ty gia công phần mềm hữu danh đó là số lượng hùng hậu các công ty nhỏ và vô danh đang sôi nổi tham gia thị trường phần mềm. Tất cả đều được khích lệ bởi tấm gương của các nhà tỷ phú trên thế giới: từ Bill Gate đến Steve Job đều đi lên từ tin học khi tuổi đời còn rất trẻ. Thực tế hơn, tất cả đều biết rằng công nghiệp gia công phần mềm đang tạo nên doanh thu 10 nghìn USD/người/năm và thu nhập khoảng 15-20 nghìn USD/kỹ sư/năm – con số rất cao ở thị trường Việt Nam so với trồng lúa, cà phê hay nuôi cá basa.. Ông nguyễn Hữu Lệ – Chủ tich HĐQT TMA – cho biết: Nếu không gia công mà tham gia vào sản xuất sản phẩm và nghiên cứu-phát triển (R&D), con số đó có thể tăng lên 10 lần.

Khởi đầu năm 2013 đã có đủ những tín hiệu vui cho ngành công nghiệp phần mềm nước nhà. Thị trường thế giới đã phục hồi và tạo ra những bước đi đúng đắn hợp lý cho công nghiệp phần mềm Việt Nam. Sự phát triển mai sau của ngành công nghiệp này sẽ còn kỳ vĩ, khi nền kinh tế Việt Nam tái cơ cấu được theo đúng định hướng thị trường. Có nghĩa là công nghiệp phần mềm phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, chứ không phải chỉ trông chờ vào giải ngân mấy đơn đặt hàng của Chính phủ.

Còn hiện tại, hãy chúc cho nền công nghiệp phần mềm non trẻ của chúng ta thuận buồm xuôi gió.

Nguồn: Báo mới