Nhân lực ngành công nghệ thông tin: Thiếu và yếu
Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks vừa công bố báo cáo về nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam cho thấy, hiện nay, nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu và yếu, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Nếu nguồn nhân lực tiếp tục tăng trưởng như hiện tại thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 500.000 nhân lực ngành CNTT.
Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tiếp tục tăng trưởng nhanh và Việt Nam hiện nằm trong 10 nước đứng đầu trên toàn cầu cung cấp dịch vụ này. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2013- 2018, các doanh nghiệp trong nước cần tuyển hơn 400.000 lao động ngành CNTT. Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm, cả nước chỉ đào tạo khoảng 60.000 người. Mặc dù vậy, nhân viên ngành CNTT vẫn phải cạnh tranh để có việc làm, riêng nhân lực chất lượng cao luôn “đắt hàng” do nhiều công ty mời gọi. VietnamWorks phân tích, trong 3 năm vừa qua, nhu cầu công việc ngành CNTT và phần mềm đã tăng, trung bình 47% mỗi năm nhưng số lượng nhân lực cung cấp ra thị trường chỉ tăng trung bình 8%. Từ nay đến năm 2020, nếu tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm, thành phố cần khoảng 280.000 việc làm, riêng ngành CNTT chiếm 6- 7%, tức khoảng 16.000- 20.000 việc làm/năm. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng tại thành phố, mỗi năm đào tạo khoảng 18.000- 20.000 sinh viên ngành CNTT, nhưng hầu như sinh viên không biết lĩnh vực hành nghề. Cụ thể, hơn 70% sinh viên không có kinh nghiệm thực hành, hơn 40% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và chỉ có khoảng 15% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Ông Hà Qúy Hải- Giám đốc kỹ thuật một công ty phần mềm ở quận 3 TP. Hồ Chí Minh- cho biết, hàng năm, công ty phải tuyển thêm nhân lực để làm việc nhưng kể cả những sinh viên mới tốt nghiệp cử nhân CNTT “bằng đỏ” vẫn phải đào tạo lại, thậm chí cử đi nước ngoài học thêm mới đáp ứng được công việc.
Để phát triển nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam, theo Giám đốc tiếp thị VietnamWorks Paul Espinas, có 4 điểm quan trọng nhất cần quan tâm gồm: Trình độ ngoại ngữ; kỹ năng mềm; cập nhật về công nghệ nên được tích hợp vào giáo trình dạy CNTT trên toàn quốc. Cuối cùng là cải thiện các chương trình đào tạo và huấn luyện cho nhân viên CNTT.Các chuyên gia hàng đầu về CNTT nhận định, Việt Nam đang hội nhập với kinh tế toàn cầu và ngành CNTT đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hơn các ngành nghề khác. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động mạnh trong lĩnh vực CNTT sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, từ sản xuất phần mềm, quản trị mạng đến kinh doanh thương mại điện tử. Cho nên, nhu cầu tuyển dụng nhân lực sẽ gia tăng mạnh. Đây sẽ là áp lực lớn cho ngành giáo dục đào tạo trước nhu cầu của doanh nghiệp.Là một trong những Bộ chiếm giữ nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, nhu cầu phát triển nhân lực ứng dụng CNTT vào hệ thống quản lý đào tạo của Bộ Công Thương là rất cấp bách. Để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, Bộ Công Thương đang chuẩn bị triển khai Đề án Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, nhằm đổi mới quản lý các trường và các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý.
Ông Phương Hoàng Kim – Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Công Thương):Hiện, Bộ Công Thương mới chỉ có 19/48 trường đào tạo có phần mềm quản lý công văn đến (chiếm 49%), quản lý tuyển sinh 27/48 trường (chiếm 68%), quản lý khoa 6/48 (chiếm 15%), quản lý thanh tra (chiếm 8%), quản lý khảo sát thí nghiệm 18/48 (chiếm 46%), phần mềm đào tạo trực tuyến 7/48 (chiếm 18%)…
Theo baocongthuong.com.vn