Chuyên viên phân tích nghiệp vụ: “Thông dịch viên” CNTT- kinh doanh

Chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst - BA) hay nhà phân tích thiết kế hệ thống chính là cầu nối giữa bộ phận CNTT và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Xuất thân lập trình viên

Anh Nguyễn Hoàng Minh, chuyên viên BA Công ty DI Central chuyên về mảng phát triển tính năng của Microsoft SharePoint 2010 cho thị trường Mỹ cho biết, lúc còn là sinh viên đã thực hiện khá nhiều dự án làm thêm từ trang web RentACoder.com. Nhờ vậy, anh có kinh nghiệm làm việc với các dự án cho khách hàng nước ngoài. Thời gian này, Minh cũng bắt đầu làm quen việc lấy yêu cầu và phân tích yêu cầu từ những dự án nhỏ và chi phí không cao.

Sau đó, Minh được nhận vào một công ty phần mềm của Đức chuyên gia công cho thị trường châu Âu và Minh có cơ hội thử thách ở vị trí trưởng nhóm (Team Leader). Vốn đã có kinh nghiệm qua 3 dự án khá lớn nên anh có khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa hoàn toàn là việc của một BA thật sự.

Chị Tô Việt Anh, chuyên viên phân tích hệ thống Công ty Phần mềm FPT cho biết, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm từ nghề lập trình viên (Developer), tôi chuyển dần sang mảng cơ sở dữ liệu (CSDL - Database), chịu trách nhiệm phân tích nhu cầu của hệ thống và thiết kế database cho phù hợp. Người làm BA phải tìm hiểu các quy trình trong doanh nghiệp hoạt động như thế nào, phục vụ nhu cầu gì của người dùng, xác định rõ yêu cầu người dùng. Từ đó, các BA phân tích để thiết kế CSDL cho hệ thống đó hợp lý hoặc đề xuất cải tiến quy trình.

Việt Nam chưa có trường, lớp đào tạo BA. Người muốn theo nghề này phải tự rèn luyện và học hỏi kinh nghiệm. Công việc BA cũng ít được tuyển dụng rộng rãi; chỉ những công ty lớn, có quy trình chuyên nghiệp về phần mềm mới tuyển BA.

Trưởng thành từ dự án

Đa số sinh viên thường tập trung vào các môn có thể ứng dụng được ngay như lập trình hay cơ sở dữ liệu. Có thể nói, nhiều môn học ngành CNTT như công nghệ phần mềm, quản lý công nghiệp… tưởng chừng như khô khan, quá lý thuyết nhưng BA rất cần những kiến thức này.

Theo anh Minh, BA được ví như những người làm “thông dịch viên” giữa người làm nghiệp vụ và người lập trình thông qua một trong các ngôn ngữ thể hiện là UML (Unified Modeling Language). Đây là các tài liệu theo chuẩn trong công nghệ phần mềm.

Để trở thành một BA, họ phải có thời gian trải qua nhiều công việc như lập trình, giải quyết các vấn đề khó khăn của hệ thống và tiếp cận cũng như thiết kế các giải pháp phần mềm phù hợp. Theo anh Minh, nếu không hiểu, không biết những vấn đề khó khăn hoặc không có kinh nghiệm trong thiết kế kiến trúc phần mềm sẽ khó thuyết phục và khiến họ không tin tưởng.

Anh Minh cho biết đã trải nghiệm qua nhiều dự án lớn nhỏ, nhiều lĩnh vực khác nhau (bất động sản, phần mềm…). Càng làm nhiều dự án, các BA sẽ có nhiều kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ. Nếu không phân tích kỹ thì dự án có khả năng phải huỷ bỏ hoặc có thể phải làm lại dự án. Đặc biệt, đối với các ngành đặc thù như tài chính, thuế…, các BA phải tìm hiểu rất kỹ các vấn đề liên quan.

Lắm nỗi truân chuyên

Cái khó nhất khi làm BA là khả năng thu thập yêu cầu. Việc lấy thiếu các yêu cầu rất nguy hiểm và cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhiều dự án. Chuyên viên BA còn gặp khó khăn với những vấn đề nghiệp vụ của ngành như kế toán hoặc thuế. Truyền đạt kiến thức quy trình cho những người lập trình vốn không chuyên cũng là cả một vấn đề.

Anh Minh chia sẻ, cách đây vài năm, khi lấy yêu cầu của một công ty làm dịch vụ bất động sản ở Đức, đã phát hiện một công thức tính toán sai. Do công ty này chỉ làm môi giới, chưa bao giờ quen làm các nghiệp vụ chuyên ngành nên dẫn đến sai lầm. Cũng may, anh Minh đã kiểm tra lại công thức này và cảm thấy không hợp lý. Sau đó, anh phải liên hệ với rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng để tìm hiểu và cuối cùng mới có công thức chính xác.

Nghề BA ở nước ta hiện vẫn chưa được coi trọng, có lẽ do đa số dự án ở Việt Nam là các dự án không phức tạp. Vì vậy, để tiết kiệm các công ty thường cử các lập trình viên đi lấy yêu cầu và viết tài liệu khá đơn giản. Về phía khách hàng, họ cũng không yêu cầu phải có chuyên viên BA vì tiết kiệm chi phí. Trong khi ở nước ngoài, các dự án từ 10.000 USD trở lên đều phải có BA. Các dự án lớn ở trong nước mới có chuyên viên BA nhưng phần lớn là lập trình viên kiêm nhiệm vai trò BA. Ở nước ngoài, BA là một nghề có mức lương khá cao.

 

Chị Tô Việt Anh, chuyên viên phân tích hệ thống Công ty Phần mềm FPT: Để theo đuổi nghề này, đầu tiên phải có sự yêu thích và phải có tư duy logic, suy luận vấn đề, khả năng giao tiếp. Đó là điều kiện tối thiểu mà các BA cần có. Hơn nữa, nhất định phải có kiến thức cơ bản về máy tính (nên học ngành CNTT) cùng với ít nhất kinh nghiệm 2 năm lập trình.

 

Anh Nguyễn Hoàng Minh, chuyên viên BA Công ty DI Central: BA là một nghề đặc trưng cần nhiều kỹ năng mềm như tổ chức, viết tài liệu, giao tiếp, phân tích… bên cạnh kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, BA cũng là một nghề chịu áp lực cao và đôi khi làm việc đêm rất nhiều do làm việc với khách hàng nước ngoài trái múi giờ (so với giờ Việt Nam). Tôi nghĩ nghề này phù hợp với các bạn nam năng động, có tài ăn nói và có thể đi công tác xa. Tôi thật sự thích và định hướng theo nghề BA. Hiện nay, tôi chính thức làm BA và tư vấn giải pháp phần mềm trên công nghệ .NET của Microsoft.

Nguồn pcworld.com.vn